Ngắm nhìn hình ảnh đường phố Sài Gòn xưa, mới nhận thấy Sài Gòn của tôi “thay da đổi thịt” qua từng sự kiện của năm tháng. Từ một thành phố hoa lệ, từng mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông”, nay đã trở thành một thành phố trẻ, năng động, dẫn đầu cả nước. Nhưng đâu đó, vẫn còn những cung đường mang nét xưa hoài cổ, “ẩn mình” lặng nghe nhịp sống tấp nập, hối hả của thành phố mang tên Bác. Trong đó, có đường Lê Công Kiều – con phố của những món đồ cổ xưa, bình yên và lặng lẽ, mang dáng vẻ cổ kính từ xa xưa.
Nằm ngay trung tâm thành phố, gần chợ Bến Thành và tuyến metro đang xây dựng, con đường bị giới hạn bởi đường Phó Đức Chính và Nguyễn Thái Bình. Với chiều dài chỉ vỏn vẹn gần 300m2, đây là nơi tập kết của hàng chục cửa hàng lớn nhỏ, trưng bày các món đồ cổ từ những vật dụng cổ không còn nguyên vẹn như chén, dĩa gốm sứ, đèn măng-xông,… được chế tác thành những vật lưu niệm được bày trên vỉa hè, đến những món đồ cổ có giá trị lên đến hàng trăm tỷ đồng được cất giữ cẩn thận trong tủ kính. Phố đồ cổ Lê Công Kiều không nhộn nhịp như các con phố khác ở Sài Gòn mà lẳng lặng, yên ắng diễn ra các hoạt động trao đổi, mua bán đồ cổ, cung đường này không có nhiều xe qua lại thường thường xuyên và không có cả những con hẻm cắt ngang. Vì thế mà phố đồ cổ và người dân nơi đây cứ thư thái, trầm lặng, đắm mình trong cuộc sống hằng ngày mang trên mình những nét xưa cũ, u hoài.
Lạc vào đây, bạn sẽ có cảm giác như lạc vào thế giới của những hoài niệm, kỷ vật, đồ cổ tượng Phật từ thời nhà Nguyễn, nhà Thanh, xuất xứ từ nhiều nơi trên thế giới. Mỗi cửa hàng nơi đây không bày trí cầu kì mà chỉ đơn giản với tấm biển nhỏ ghi địa chỉ, số nhà, tên khu phố, quận. Khách mua đồ cổ và người bán đồ cổ cũng nhàn hạ không kém bởi họ đều là những người có thú phong lưu với niềm đam mê sưu tầm đồ cổ. Nơi bán ở đây cũng là nhà ở, không tốn nhiều chi phí mặt bằng nên những người buôn bán đồ cổ này mới có thể trụ được với nghề.
Tại đây, việc kinh doanh xuất phát từ thú vui chứ không hẳn là đặt yếu tố lợi nhuận lên hàng đầu. Bởi vậy mà có những cổ vật mang lại sự may mắn, bình an cho gia đình, dù khách hàng có trả giá cao đến mấy thì chủ cửa hàng cũng nhất quyết không chịu bán.
Nghề bán đồ cổ chủ yếu là nghề dạy nghề, phải là những người “sành” đồ cổ, dày dặn kinh nghiệm, mất nhiều thời gian “đèn sách” học hỏi trong ngành hoặc sở hữu cặp mắt tinh tường thì may ra mới có thể phân biệt được trong bối cảnh “vàng thau lẫn lộn” như hiện nay.
Dù vậy, cung đường này vẫn tồn tại như một sợi dây kết nối giữa quá khứ và hiện tại, khởi nguồn của những câu chuyện xưa cũ với những nỗi niềm và hoài niệm của những người cùng chung sở thích sưu tầm đồ cổ. Những món đồ cổ còn gợi nhắc người ta về một thời dĩ vãng dấu yêu, níu chân thời gian, tìm về những giá trị cổ xưa.
Tháng tháng, năm năm, thời gian trôi đi để lại những hạt bụi thời gian còn vương trên con phố cổ Lê Công Kiều – nơi lưu giữ nét bình yên trong “cảnh và lòng” mà ta khó có thể tìm thấy được ở đâu tại chốn Sài Thành hoa lệ, sầm uất. Những mảng màu ký ức vẫn còn đó và chứa đựng trong đấy văn hóa, lịch sử ý nghĩa và sâu sắc.