[NAM KỲ LỤC TỈNH LẠC XOONG] CHUYỆN NHÀ CỔ ĐỘC NHỨT TẠI SÀI GÒN

Vào một ngày mưa… Chiều nay lại mưa, chợt nhớ vào một ngày mưa xa, xa lắm, đang lật từng trang album về một gia đình hương cả giàu nhứt xứ Thủ Đức…

Có kì, trên một bài báo viết về một nhà kiểu Pháp duy nhứt ở quận 9 sắp sập, sắp bị giải tỏa, ảnh của một ngôi nhà cổ chìm nghỉm trong bụi cỏ cao. 

281865543 480715757160907 4409565048090133703 n

Thật tò mò về cái mà ngôi nhà đó từng là… 

Người ta nói chủ nhà đó là từng là người rất giàu có đã bỏ tiền xây đình Tăng Phú, cũng có người kể vào những ngày mưa rả rích, đi ngang qua nhà đó thì nghe thấy tiếng đàn buồn thấp thoáng trong mưa chiều… 

281929326 480715587160924 5027663667533546406 n

Thật may là dù hôm nay lại mưa, nhưng có cơ hội gặp chủ nhà, một ông cụ nhỏ thó, gày gò bơi trong cái áo sơ mi màu “cháo lòng” thùng thình, nhem nhuốc màu sơn, với nụ cười dễ mến của người miền nam vương chút gì đó rụt rè của người nghệ sĩ.

Giữa ngày nay và ngày xưa…

Bước qua cái tuổi 139, căn nhà quả thật là một trong số ít những kỉ vật vô giá còn sót lại ở cái đất Sài Gòn. Một căn nhà kiểu Pháp kết hợp hài hòa với kiến trúc truyền thống của người Việt, nằm khiêm nhường trong một cái ngõ nhỏ cách trung tâm thành phố không xa, ngôi nhà bề thế đã qua cái thời hoàng kim… 

282046458 480715730494243 3101446600624184277 n

Xưa có câu “nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ” để chỉ những mảnh đất an cư lạc nghiệp, phục vụ cho việc đi lại, mua bán bằng đường thủy ở vùng đất Nam Bộ vốn chằng chịt những sông ngòi, kênh, rạch. Mà trước nhà vừa vặn có một con sông lớn, chẳng qua theo thời gian, con sông xưa bị bùn và rác bồi tụ, cộng thêm biến đổi khí hậu mà cạn lại thành con rạch nhỏ, bến đò cũ theo đó cũng không còn.

281858417 480715557160927 3141986268719571279 n

Qua những tấm ảnh đen trắng trong cuốn album ngả màu, khoảng vườn lầy lội kia từng là vườn cây kiểng quý hiếm trong những cái bồn kiểu cách được cắt tỉa gọn gàng. 

Bên ngoài, sắc trời trở nên u ám, gió nổi lên, cơn mưa bắt đầu vần vũ, nhờ ba lớp ngói âm dương mà căn nhà vẫn chìm đắm trong vẻ yên tĩnh như người đẹp say ngủ. Trong nhà, khung cửa già cỗi phủ bụi càng làm tăng thêm vẻ tịch mịch dị thường. Theo lời chủ nhà, căn nhà trước kia đã từng không cửa khoảng sáu năm để vò võ chờ đợi khung cửa gỗ trạm trổ từng bông hoa cái lá tinh xảo, thứ mà các nghệ nhân lành nghề phải mất đến mười năm để hoàn thành. 

281940077 480715497160933 1780913645348276076 n

Sáu câu đối nay còn hai, hai cánh cổng chỉ còn một, căn nhà gỗ vững chắc đang đứng xơ xác trong chiều mưa ảm đạm. Sự vô tình của thời gian đang từng bước lấy đi sự đẹp đẽ của một di sản…Còn đâu, đâu lá ngọc cành vàng, còn đâu, đâu quyền quý cao sang…

Chủ nhà hiện tại là đời thứ tư, thứ năm gì đó, theo lời kể, tổ tiên là bậc danh nho thủ lãnh Thiên Địa Hội Nguyễn Minh Giác. Vào năm 1820 cả gia tộc từ Thuận Hóa (Huế) vào xứ Thủ Đức khai hoang lập ấp và trở thành hương cả lớn nhứt, giàu nhứt lập nên cái làng Tổng Thủy (thuộc thành phố Thủ Đức ngày nay). Vào năm 1883, dưới thời vua Tự Đức triều Nguyễn, ngôi nhà được chính thức xây dựng. Sang năm 1914, căn nhà hoàn thành “Toàn bộ khu nhà (nhà chánh, đông lang, tây lang, nhà sau) được bài trí theo hình chữ “khẩu”, phần giếng trời ở giữa có hòn non bộ, hồ cá, cây kiểng. Phía sau có mạch nước ngọt phun lên từ lòng đất. Nhà có ba gian hai chái, bên ngoài là mặt tiền kiểu tây, phía trước có hai trụ đèn bằng betone, nhà trải sỏi trắng cả sân.” 

281921810 481102857122197 3107954401604271110 n

Bẵng thêm vài mùa mưa, khi lịch sử vùng đất Sài Gòn – Gia Định bị cơn lốc đô thị hóa cuốn bay, những kỉ vật bị tàn phá bởi thời gian, và kí ức đô thị bị lãng quên, có lẽ những thế hệ sau sẽ lướt mạng xã hội mà hoài niệm những ngôi nhà cổ một thời, hoặc buột miệng khen ngợi một ngôi nhà phục chế hay ca bài ca “Ngày xưa, ai lá ngọc cành vàng, ngày xưa, ai quyền quý cao sang…” theo phong cách “nhạc chế parody” chăng?!

Bài viết và Ảnh: Eva Sora | Tham gia cuộc thi viết Nam Kỳ Lục Tỉnh Lạc Xoong

Bà con cùng tham gia cuộc thi viết Nam Kỳ Lục Tỉnh Lạc Xoong cùng Sài Gòn Chợ Lạc Xoong tại đây nhé!

Chợ Lạc Xoong
Logo