[NAM KỲ LỤC TỈNH LẠC XOONG] ” PHÀ CHẠY PHÀ PHÀ” – NGUỒN GỐC TỪ PHÀ MÀ ÍT AI BIẾT

Phà chạy phà phà! 

Mọi người đã từng nghe câu nói rặc miền Tây “chạy phà phà” chưa nè? “Phà phà” nghĩa là đi ào ào, êm ru, mướt rượt. Xe chạy phà phà. Quạt phà phà. Đi phà phà qua. Đó, “phà” này là chỉ chiếc phà đó. Tại từ hồi có phà, hông phải ghe, xuồng, tắc ráng, võ lãi, chẹt, này nọ…thì người ta qua sông nhanh thấy mồ, không có nhấp nhô say sóng nữa, nên cứ phà phà tới luôn là vậy! 

Chiếc phà nào giờ gắn với văn hóa sông nước Nam Bộ dữ thần lắm. Tại ở đây chút éc là có sông, tiền đâu mà xây cầu cho nổi.

Bến phà còn gọi là bến bắc, như câu hát “Em đi mau kẻo trễ chuyến phà đêm qua bến bắc Cần Thơ”. Tui nhớ hồi nhỏ, ngày nào ông ngoại đi nhà máy xay lúa về ngang qua bắc cũng ghé mua cho tui bịch trứng cút. 

6698139521124921755272796345645099862458368o 15639621297901100028909

Phà nói nào ngay, là người Pháp mang qua. Người Pháp cũng làm cái phim bất hủ ngay trên xứ này, ẵm Oscar giải quay đẹp quá trời quá đất,  là phim Người Tình. Trong phim có cảnh cô đào Jane March cùng dí tài tử Hồng Kông Lương Gia Huy quen nhau sét đánh trên một chiếc phà đi từ Vĩnh Long dìa Sa Đéc. Nghe đâu chiếc phà đó đặc biệt lắm nghe, trên thế giới còn có mấy chiếc à. Xong ông đạo diễn thèm quá phải có cho bằng được. Thuê từ nước ngoài người ta hổng cho, bèn trục vớt lên từ một đại dương nào đó xa tít tắp lên, sửa lại vác qua Sa Đéc quay. Mèn đéc mẹc ơi hổng biết có thiệt đúng dị không chứ nghe chuyện vậy sướng thấy ghê!

Phà đủ kích cỡ, từ sông nhỏ xíu cho tới sông cái. Sông nhỏ là có chiếc phà nhỏ bằng gỗ (hay kêu bằng chiếc chẹt), đi 5 phút băng qua kia sông là tới rồi. Còn nhiều cửa sông lớn, đi phà qua kia sông gần 30 phút có. Nhiều chỗ ít xe qua lại, phà đứng chờ cho đầy người mới đi, nên nhiều khi mất thêm 30 phút nữa. Ngăn sông cách đò ghê chưa? Trong mấy chục phút đó, bà bán nước làm quen bà bán vé số. Ông bán gà mời thuốc ông bán bánh mì. Thằng bán sinh gôm chuyền cục kẹo cho thằng bé xin ăn … Trong mấy chục phút đó là những rôm rả, những nồng nhiệt, những bụi lục bình trôi nổi khắp sông ngòi Nam Bộ gặp nhau. Đời dân miền Tây chảy như sông, thì trên phà, bao nhiêu dòng chảy cùng dừng lại chung một chỗ. Nhiều khi gặp cười nói vài câu, không ai quen ai, đi rồi cả đời không gặp lại. Mà trên phà, trong lúc đó, hết thảy bà con đều cùng chung chí hướng: qua sông. 

Ở miền Tây cù lao nhiều. Nhiều người gọi vui nó là hòn, là đảo. Dân bên đó cách biệt dân bên đây một chuyến phà. Sáng đi làm bên đây, tối về cù lao ngủ. Dân cù lao vô hình có một sợi dây rún liên kết với cục đất giữa sông. Họ nhen nhúm trong lòng tình thương quê nhà, khó diễn tả, nhưng mà tui thấy họ thương nó kiểu kiểu như vì quê họ có chút éc, chênh vênh giữa dòng chảy, đi một vòng là hết xã. Trên cù lao khỏi sợ mất xe, ăn trộm. Mất một cái thằng trộm chạy đằng trời đừng mong về đất liền. Chỉ một cuộc điện thoại là từ ông soát vé tới bà bán nước mía cửa phà, từ anh giao gas tới ông thu tiền điện, biết hết. Thằng trộm sẽ bị nguyên cái cù lao mình truy nã, đi đâu cũng có nguy cơ bị đè ra đất giữa cù lao. Mà nói vậy thôi, kẻ gian chắc toàn từ bên ngoài, chứ bà con xóm giềng trên cù lao có chút éc, thương nhau hổng hết, trộm cướp gì ở đây? Quê tui Long Xuyên, có cái cù lao nhỏ là Mỹ Hòa Hưng. Hễ bạn bè tui gặp trên đất liền nói cái câu “Tao dân Mỹ Hòa Hưng” là tự nhiên tui mến nó. Tại tui nghe trong cái câu nói đó của nó có lòng tự hào và tình thương quê hương đậm đà, tui quý! Tui cũng thương Mỹ Hòa Hưng, mặc dù nhà tui cách cù lao một chuyến phà.

Dân đi phà nhiều chuyện mắc nợ chuyến phà, khó nói lắm nghen. Đi nhiều nên mua vé tháng, rồi riết quen ông soát vé, ổng làm ngơ cho đi chui luôn. Rồi quen nên dù có một mình bao phà mà ông tài công vẫn chở. Rồi chuyện con nít đi phà đi học mỗi ngày. Rồi qua bờ kia mới nhớ chết mẹ bỏ quên tập ở nhà bên kia sông. Rồi chuyện nửa đêm vợ đau đẻ chở qua bệnh viện bên chợ. Ra tới bến bắc thì ông tài công đi ngủ, để cái bảng: “ai đi phà gọi điện tui”. Tui đảm bảo dân cù lao đi phà riết quen luôn, đi xa xứ nhắc lại cảnh kẹt phà mà ám ảnh, mà vẫn thương, vẫn nhớ. 

Nhắc kẹt phà thì tui nhớ đến cơn ác mộng của dân miền Tây mỗi độ Tết đến: về quê. Hồi xưa chưa có cầu Mỹ Thuận, Cần Thơ, Vàm Cống, Cao Lãnh gì sấc. Tui nói thiệt, 7 giờ sáng lên xe đò đổ từ Sài Gòn dìa An Giang là 12 giờ đêm mới tới thiệt. Thấy ghê hôn? Kẹt xe dài dài mừ mấy cây số. Xe đợi phà, nhích nhích từng cm. Tài xế mệt, lơ xe mệt, khách mệt, nhân viên bến phà cũng mệt. Vui nhất chỉ có cánh bán hàng rong. 

“Chà đá bà con ơi! “

” Mua chục bánh tráng về cho con cháu đi anh. Có hai chục ngàn à mình uống ly cà phê là hết rồi mua đi cho con cháu nó mừng! “

“Bông tăm, ráy tai, vé số, móc khóa, kiếng đen, sách coi tử vi đây cô bác ơi! “

 

Rồi cả: 

“Ê cô tóc dài của tao à nha mày không có mời trước à nha.”

“Ê tao xí thằng mập nha.. “

Giành khách um sùm luôn, thấy ghét mà thấy thương lắm. Ông tài xế thấy tập đoàn hàng rong kéo tới là tự động mở cửa xe cho lên bán. Tập đoàn ùa lên xe một cái là um sùm trời đất rôm rả thành cái chợ nhỏ trên xe. Nhiều đứa bán hàng vô phép, ông tài đuổi xuống lầm bầm “Cấm bán thì tội mà lên bán hỗn hào bực bội hà! “. 

279733516 10217260760750497 8883167803700037795 n

Xưa tui có nhỏ bạn thân ba nó lái phà. Nó lúc đó bé xíu mà xinh lắm. Ba dắt vô phà chơi. Ba nó thì lái phà, nó chạy vòng vòng chơi một hồi sao làm quen với mấy đứa bán vé số. Xong lát sau ổng thấy nó cầm vé đi bán phụ mấy đứa kia luôn. Mà nó xinh, người ta phụ quá trời. Sau này lớn nó đi thi nhan sắc có giải Á Hậu Việt Nam hẳn hoi, trời quơi con bé bán vé số ở phà! Người ta phỏng vấn hỏi gia đình làm nghề gì. Nó hét vô micro “Dạ ba em lái phà sông Hậu! ” mẹ bà, ba nó chắc ở nhà ứa nước mắt. 

Dân hàng rong bán buôn cực khổ, mà cũng làm khổ mấy anh bảo vệ dữ thần. Đi chui nè hé, chèo kéo khách nè hé. Bị lùa chạy quài. Nhưng mà thương! Có người sáng lên phà bán. Bán tới khuya về, một ngày đi phà mười mấy tiếng, qua lại sông tám chục bận. Có người sinh sửa sao đó đặt được nguyên cái thùng đá thành gian hàng ngay trên phà luôn. Tới hồi có cầu, phà nghỉ chạy, họ về đâu, làm nghề gì hông ai biết. Mà đời dân miền Tây là đời sông hồ mà, có bao giờ ngừng trôi đâu? Họ chắc cũng sẽ lại bán cái gì đó ở đâu đó, nhớ những ngày lên đênh sáng tối nghe tiếng kèn phà inh ỏi “xuất bếnnnn”. 

Một chuyện vui nữa là rước dâu qua phà. Xưa tui có chụp ảnh cho một đám như thế. Chú rể bao phà, nguyên đoàn xe cưới đứng đầy một chiếc phà bự. Tui leo lên kế anh tài công, hét vọng xuống cho đám bưng mâm loi nhoi dưới boong: “Anh trên đây nè, cười lên mấy đứa, yeah đi yeah điiii”. Ở dưới đám nhỏ “Yeahhhh”. Anh lái phà: “Phà đâu có de được ông nội, chỉ chạy tới được à” cười muốn xỉu… 

Nói về phà, chắc tới sớm mai mới hết. Thôi hát một câu kết bài nghen, coi như cám ơn những chiếc phà:

“Bậu sang phà Rạch Miễu, qua lẽo đẽo theo sau. Đội bóng trăng trên đầu, tưởng như áo cô dâu. Áo bậu đỏ cánh kiến, da bậu vàng phù sa. Mắt ngời xanh nước biển, tim bậu hồng lòng qua”… 

Bài viết và Ảnh: Vương Đình Khang | Tham gia cuộc thi viết Nam Kỳ Lục Tỉnh Lạc Xoong

Bà con cùng tham gia cuộc thi viết Nam Kỳ Lục Tỉnh Lạc Xoong cùng Sài Gòn Chợ Lạc Xoong tại đây nhé!

Chợ Lạc Xoong
Logo