[NAM KỲ LỤC TỈNH LẠC XOONG] CŨNG SÀI GÒN NHƯNG MÀ…LẠ LẮM!

-Bé Ty nín đi, mai anh Hai cõng đi Xì Gòn gặp má!
Anh Hai méo mó, oằn lưng cõng nó đi từ nhà bác Hai Bình sang nhà bà Tư Bốn mặc cho con nhỏ cào cấu, cắn xé.
Nhà có ba anh em, nó là con út, lại bệnh lặt vặt suốt nên Ba má cưng chiều hết mức. Anh Hai, chị Ba làm gì “phật lòng” bị nó mét là tét đít.
Mỗi lần ghe sắp rời bến, má lại kêu anh Hai cõng nó đi chơi, rồi lén lén chống sào một quãng xa mới dám nổ máy. Vậy mà nó tinh lắm! Nghe tiếng máy là nó biết ngay. Nó khóc ngằng ngặt, cào, cắn nát cái lưng của anh Hai cho hả ức.
Má kêu anh Hai xúc gạo đầy xô, gói mấy bịch cá khô, mắm muối đem xuống ghe. Cái ghe nhỏ xíu, chồng chềnh theo mỗi bước chân như nỗi lòng của thằng anh khi nghĩ đến những cú cắn của con em. Mắt anh Hai rơm rớm muốn khóc.
Nhưng hôm nay thì khác mọi lần, ba nổ máy từ trong bến. Má chống sào đẩy cái mũi ghe dạt ra rồi thẳng một hướng: Sài Gòn. Không có từ ngữ nào có thể diễn tả đủ cái sự vui sướng của mấy anh em tụi nó khi được đi theo ba má. Má trải chiếu để mấy đứa ngồi trên khoang trước. Khoang sau , ba dùng chân bẻ lái, tay cầm ly trà nóng, miệng phì phà hút thuốc.
Không chơi đùa, cũng không được chạy nhảy, nhưng đối với nó, những giây phút được ở gần ba má là vui vẻ nhất, hạnh phúc nhất. Nhờ vậy nên anh Hai cũng được nhẹ nhõm… tát nước. Là nước mấy con sóng lớn đột ngột tràn qua mũi ghe bò vào khoang, chứ cái lỗ thủng thì ba đã ém sình kín mít từ mấy ngày trước rồi.
Ba thường tìm gốc cây bần mát rượi neo ghe cho má nấu cơm. Rồi buộc ngang eo mỗi đứa một sợi dây dù để anh em nó bơi lội thỏa thích. Gặp chỗ đất bùn nhão, ba với anh Hai lặn mò hến. Chị Ba thì phụ má kéo mấy đám lục bình, ngắt bông và đọt non nấu canh chua. Nó mê nhất là mỗi lần má nấu canh chua bần với hến. Nước canh đục ngầu, chua dịu hòa lẫn vị ngọt, dai của hến sông. Nhứt cái nách!
Đường từ quê nhà đến Sài Gòn rất xa, khi nào gặp gió xuôi, ba lại căng buồm để dành dầu chạy khi gió ngược. Cánh buồm thường là mấy tàu lá dừa nước, hoặc cái mền bị ba buộc bốn đầu, giãy giụa, phồng mang trợn má trước gió. Nó thích ngồi gần chỗ ba lái ghe để nghe ba kể đủ thứ chuyện trên đời. Nhưng có một câu chuyện được ba kể đi kể lại nhiều nhất là lần đầu tiên ba gặp má. Hồi đó nó có chút ét, đâu có biết gì là duyên nợ hay yêu đương, chỉ thấy mỗi lần kể đến đoạn đó là ba cười, mắt sáng lấp lánh.
Không biết qua bao nhiêu cồn bãi, bao nhiêu lần vượt sông, chỉ biết ngày và đêm cứ thay phiên nhau mấy bận, hết rừng rú thì đến thành thị, chiếc ghe nhỏ mà lì cứ thế băng băng. Nó chỉ nhớ đại loại là đến Mỹ Tho thì sẽ nhìn thấy vườn hoa Lạc Hồng có bờ bao nhô ra mép nước được rào chắn toàn bằng i nóc, sáng loáng. Ghe nó thường cắm sào một đêm ở chợ Vĩnh Kim để ba má mua thêm mấy cần xé vú sữa. Chợ nổi Cái Bè là nơi tụi nó thích nhất vì má sẽ mua nước ngọt Hòa Bình cho mấy đứa. Mỗi lần nghe tiếng rao : “Hàng hônnnn…!” là nó ngọng nghịu nhái theo đến khi được má mua cho thứ gì đó mới thôi.
Đến kênh Nước Mặn thì sẽ có những đoàn xà lang lúc nào cũng đầy ắp cát, trôi lề mề như thể sắp bị nước nhấn chìm. Theo sau là mấy chiếc tàu kéo, tàu đẩy, nhỏ xíu nhưng gắng máy 3, máy 4, gầm rú. Đến nửa đêm, ghe con buộc đuôi thành từng hàng ngay ngắn để nhờ mấy “ông lớn” kéo. Kéo đi đâu, vì sao phải kéo thì anh em tụi nó chẳng bao giờ có cơ hội được nhìn cho rõ vì má luôn nhốt hết trong khoang, đóng rèm kín mít. Chỉ khi nghe tiếng gió đánh phần phậc vào mấy tấm bạt và sóng vỗ rào rào hai bên hông ghe thì biết là cả đoàn đang vượt một khúc vàm nguy hiểm, xoáy nước mạnh.
Có lần đang đi thì gặp bão lớn, các ghe trước lần lượt chặt dây bỏ ghe sau để giữ mình. Ghe nhà nó buộc cách đầu tàu một chiếc. Nó còn nhớ như in hình ảnh má cầm con dao phay đứng trước mũi ghe, lấy hết sức bình sinh gào thét:
– Tui đố bà chặt dây ! Tui phang cái đầu bà rớt tại chỗ này!
Người đàn bà ghe đầu run bần bật, chần chừ không dám xuống tay.
Gió quật như muốn xô hết mọi thứ vào những con sóng điên cuồng. Giữa cảnh màn trời chiếu đất, một chiếc tàu liều mình chạy ra cứu giúp.
Nó được bế lên tàu, cơm thịt kho hột vịt no căng. Chủ tàu là người Sài Gòn rặc, bà vợ lấy mùng mền, khăn chiếu, quần áo chia cho mọi người quấn tạm. Lúc đó nó còn chưa đủ lớn để tự hỏi về số phận mấy hàng ghe khác đã bị chặt dây, chỉ thoáng thấy nét mặt buồn thiu của ông bà chủ tàu khi nhìn về những vòng nước xoáy, tất cả, chỉ còn mỗi hàng ghe nhà nó. Nghe nói sau lần đó họ còn cho ba má nó một khoản tiền để sửa sang ghe. “Chật chội tội tụi nhỏ!”
Mang tiếng được đi Sài Gòn nhưng chưa bao giờ anh em nó được đặt chân lên mảnh đất phồn hoa ấy dù một bước. Cái mui ghe, mấy con cá khô, hủ mắm là thứ thường trực dành cho tụi nó ngày ba bữa, trong khi ba má vác trái cây lên bờ bán. Hôm nào bán đắt, ba chạy lên chạy xuống mấy lần để thăm chừng và lấy thêm hàng cho má. Nó thèm được đi theo má giống như mấy đứa nhóc nó thấy dưới chân cầu, trên đầu đội cái mâm đầy dưa hấu xẻ, lởn vởn bán. Nó muốn được một lần lên bờ để chạm vào, hít thở cái không khí huyên náo, tất bật, như cái cách ba chạy trên những bậc thềm xi măng lởm chởm dẫn xuống bến. Nhưng đời nào má cho phép tụi nó. Hình như ba má luôn sợ một thứ mơ hồ nào đó vấy bẩn những đứa con mà họ luôn chắt chiu gìn giữ.
Bị nhốt suốt ngày đêm cũng không thể làm tụi nó mất niềm vui. Nó thích ngồi sau ghe nhìn dòng nước đen kịt, bốc mùi, nhìn đám con nít vô tư tắm. Thỉnh thoảng, chúng lặn ngụp được thứ gì đó, ngoi lên nhai ngon lành.
Ba má chẳng bao giờ phải bận tâm nhắc nhở hay hăm he, rằng không được nói chuyện với ai, không được thò chân xuống nước, hay phải nấu cơm bằng nước trong cái khạp nhỏ má đã lóng phèn đặt sau lái. Thiếu gì, muốn gì thì đợi đến chiều, tan chợ, má về. Tự giác anh em nó hiểu rằng muốn được đi theo những chuyến sau nữa thì không được làm gì khác ngoài việc ngồi túm tụm vào nhau, để…chỉ nghe và nhìn.
Vậy nên Sài Gòn ngọt ngào trong tâm trí nó chỉ vào ban đêm, khi những tòa nhà soi đèn đủ màu sắc xuống dòng nước. Là vị ngọt, béo, thơm của món kem má mua mỗi khi bán đắt hàng, ba sẽ chạy ghe ra bến Bạch Đằng, neo ở một góc khuất để cả nhà tắm giặt, rồi vừa ăn kem vừa ngắm thuyền rồng lượn lờ qua lại. Những chiếc thuyền rồng trang trí sặc sỡ chỉ chở những con người “có của ăn của để” theo má nói. Dường như đó là tất cả những gì ba má muốn tụi nó biết về Sài Gòn.
Còn lí do tại sao má phải treo cây sào bên hông ghe, đợi ba chạy ra tận chỗ nước trong, rồi kì cọ gần cả tiếng đồng hồ mới gác lên thì không ai nói. Đó là cái Sài Gòn mà má luôn cố gắng tẩy thật sạch, tách thật xa, càng xa càng tốt khỏi những đứa con của má.
……………………………
Nó đi, về Sài Gòn mỗi năm tầm chục bận. Nhưng không còn là đi theo ba má. Giờ đây hình ảnh Sài Gòn đã hoàn thiện hơn trong mắt nó, như cái cách mà cuộc sống hoàn thành một bức tranh với đủ màu sắc, sáng, tối. Nó được trải chân trên khắp ngõ ngách, được ăn, ngủ với những con người Sài Gòn đến từ mọi miền đất nước. Nó cũng được trải nghiệm cái mùi Sài Gòn mà ngày xưa má gắng sức kì cọ trên cây sào chống ghe, mỗi lần nó chạy xe ngang qua những dòng kênh nghẹt cứng rác.
Còn nhớ như in lời má căn dặn ngày nó đậu đại học:
– Xì Gòn xô bồ xô bộn, phải biết giữ mình nghen con!
Nó hiểu nỗi lo của má, nhất là sau lần anh Hai trở về nhà trong bộ dạng xác xơ vì cô nàng họ Mai tên Thúy. Rồi lần chị Ba nghẹn ngào ôm cái ba lô ngược không biết của ai về nhà khóc lóc.
Nhưng cũng có những điều nó chưa có dịp ngồi xuống kể cho má nghe. Rằng ở Sài Gòn nó thường hay đến những quán cơm 0 đồng, uống trà đá miễn phí ven đường, để tiết kiệm số tiền ít ỏi má gửi. Rằng chủ nhà trọ không những miễn tiền phòng mà còn mang gạo, thịt đến tận nơi để nó chống chọi trong mùa cô vít.
Và rằng, cũng mới hôm qua, khi xe nó ra đến cửa ngõ thành phố, rất nhiều những con người Sài Gòn đã mang xăng, tiền, bánh, nước để tiếp sức cho tụi nó được về với quê.
Với má.

Bài viết: Huong Xuan| Tham gia cuộc thi viết Nam Kỳ Lục Tỉnh Lạc Xoong

Bà con cùng tham gia cuộc thi viết Nam Kỳ Lục Tỉnh Lạc Xoong cùng Sài Gòn Chợ Lạc Xoong tại đây nhé!

Chợ Lạc Xoong
Logo