[NAM KỲ LỤC TỈNH LẠC XOONG] SÀI GÒN, TẢN MẠN CHUYỆN XÍCH LÔ

“…Xích lô, thôi cho tôi xuống đây…”
Sớm nay, Sài Gòn thật đẹp. Nắng rất giòn và mưa cũng rất trong- những cơn mưa vội đến vội đi cuối tháng 6.
Hôm nay có việc ra Quận 1, xong xuôi, tôi lại lang thang một mình qua những con đường đã quá quen thuộc, từng góc đường dãi dầm mưa nắng gắn bó suốt quãng đời son trẻ trên mảnh đất này suốt 12 năm qua. Tôi ngồi trước Bưu Điện Thành phố, lặng ngắm Nhà thờ Đức Bà đang được tu sửa và dòng xe qua lại. Kỷ niệm thời SV nghèo (giờ vẫn chưa giàu) ngày nào cũng dậy từ ‪5h sáng‬, đạp chiếc xe đạp cũ ưa sút sên từ Quận 4 ra Hồ Con Rùa, gửi xe tại Nhà Văn Hóa Thanh Niên rồi lại lên chuyến xe buýt S09 đến làng ĐH Thủ Đức. Gần 4 năm liền như thế…p1
Sau ngần ấy thời gian, vật đổi sao dời, biết là vậy mà lòng vẫn cứ thấy buồn buồn thiếu thiếu cái gì đó. Bỗng chợt nhớ ra… nơi đây đã chẳng còn hình bóng của những bác xích lô từng “tập kết” và qua lại bắt khách chốn này…
Lần cuối cùng bạn gặp một chiếc xích lô giữa lòng Sài Gòn là khi nào?
Tôi không còn nhớ lần cuối nhưng nhớ mãi lần đầu biết đến chiếc xích lô Sài Gòn. Đó là vào dịp Tết gần 30 năm trước khoảng năm 1995, ba mẹ cho chị em tôi vào Sài Gòn thăm Ngoại. Tối ba mươi, trời Đà Lạt lạnh cóng, mẹ bày mâm cúng sớm, đón ông Táo về lại bếp nhà rồi cả gia đình tôi bắt chuyến xe đò cuối năm vào Sài Gòn. Chiếc xe tối giao thừa băng băng qua những giây phút giao mùa, xuyên qua những tràng pháo giòn giã tiễn mùa cũ vào đêm phía sau lưng.
p2
Và Sài Gòn, những giây phút đầu tiên của mùa mới đón gia đình tôi không phải bằng cái nóng nung người hay bằng những lần giành giật khách của đủ mọi thành phần mà bằng nụ cười trìu mến của…bác xích lô. Giọng bác trầm ấm hiền queo rặt chất Nam Bộ khi thấy ba tôi vẫy tay: “Anh chị dìa đâu?”. Phút chốc, tôi lọt thỏm trong lòng ba, cái mệt đường xa bắt đầu thấm, tôi thiu thiu chợp mắt trong mùi hương dễ chịu của bó lay-ơn mẹ mua chiều qua, hay bởi mùi thơm của những nhánh mai bị bỏ rơi, sót lại trên đường.
p7
Trong cơn mơ màng tôi vẫn cảm nhận được cái gió mát rượi thổi từ sông Sài Gòn, ướp ngập phố phường. Sài Gòn phố lúc ấy chẳng nhiều xe cộ như bây giờ lại càng vắng tanh khi ai nấy đều đã xum vầy trong những mái nhà đầm ấm đón giao thừa. Ừ nhỉ, mãi về sau này mỗi lần nhớ lại tôi vẫn tự hỏi sao bác ấy không về đón giao thừa cùng gia đình mình? Trong cơn miên man tôi nghe tiếng ba mẹ rì rầm trò chuyện cùng bác chắc là về gia cảnh và chuyện làm ăn. Cái cảm giác nhẹ nhõm thư thái kéo dài cho đến khi tới nhà, tôi nghe có câu chúc một năm mới an lành, làm ăn phát tài. Rồi bác lại quay đi, tiếp tục chuyến hành trình đầu năm…Ấn tượng đẹp đầu tiên về người lao động trên chiếc xe ba bánh dễ gần, giản dị miền Nam đã được gieo vào tâm trí đứa bé tôi trên nền trời hửng nắng ngày đầu năm mới của mùa xuân ấy.
p3
Xứ cao nguyên quê tôi lắm đồi dốc, xe ngựa thì nhiều chứ tuyệt nhiên làm gì có bóng dáng chiếc xích lô nào. Sau này có dịp về miền Tây, ngồ ngộ khi thấy những chiếc xe từa tựa xe ngựa nhưng phần lớn được cải tiến kéo bằng máy, người lái cũng ngồi ở phía trước, hành khách phía sau. Người ta gọi đó là xe lôi. Nghe cái tên hơi “cộc” và có vẻ gì đó gấp gáp (lôi mà!). Tôi vẫn thích xích lô hơn. Cái tên phiên âm nghe giản dị đến lạ mà cách di chuyển cũng giản đơn. Khách ngồi đằng trước, thấy có cảm giác an toàn và thú vị, và phía sau mình còn ai đó để chở che. Nữa là được tự do, thoáng đãng phóng tầm mắt nhìn ngắm khắp phố phường.
Xích lô, với người Sài Gòn, từng quen thuộc lắm. Dễ dàng bắt gặp những chiếc xích lô thong dong trên phố. Giữa bao nhiêu con đường ngày càng nhiều phương tiện nhanh chóng , tất bật, nhả khói phì phèo trên đường phố thì xích lô vẫn thế, lặng lẽ, ung dung. Mỗi khi thấy lòng bời bời, nặng trĩu, nặng hơn cả những vòng xe lao nhanh vun vút trên đường phố kia thì bất ngờ bắt gặp một chiếc áo cũ sờn cùng mớ tóc bạc bay thong dong cùng chiếc xích lô, trên phố chợt thấy nhẹ nhõm đến bình yên. Ta dễ có cảm giác đó đâu còn là những người lao động mưu sinh mà như những người nghệ sĩ, đạp xe mà như không, gương mặt vẫn mỉm cười thanh thản, dễ chịu. Tự nhủ, tại sao mình cứ phải bon chen, toan tính khi mà họ, dù bất kỳ đoạn đường nào, đi hay chỉ là lỡ bước hỏi thăm đường họ vẫn vui vẻ, tận tình.
p8
Phải thế chăng mà tôi thường thấy các bà các chị đi xích lô nhiều hơn phái nam. Nhu cầu trò chuyện chăng? Như mẹ tôi, lấy chồng xa Sài Gòn ngót nghét gần bốn mươi năm nhưng trước đây mỗi bận về thăm Ngoại có việc đi đây đi đó mẹ vẫn có thói quen gọi chiếc xích lô của chú Trừ đầu hẻm. Tôi từng thắc mắc sao mẹ không đi xe buýt, vừa nhanh vừa rẻ đi xích lô lâu lắc… Mẹ cười, xa quê bao nhiêu năm, đi xích lô vừa ngắm phố phường vừa hỏi thăm chuyện bà con trong xóm, khi về đỡ nhớ…
Xóm Rosa Quận 4 nơi tôi từng cư ngụ là một xóm lao động nghèo, một ngày vào ra không biết bao nhiêu lượt xe ba gác lẫn xích lô. Trong đó có chiếc xích lô cũ mèm của ông Tư Dùm. Như đã thành thông lệ, từ sáng tinh mơ người ta đã thấy bóng dáng cao gầy chênh vênh của ông cưỡi con ngựa sắt ba bánh khật khưỡng, lặng lẽ rời khỏi xóm nhỏ rồi đến chập choạng chiều lại đạp xe về. Và lần nào ông cũng ghé hàng quà của ngoại tôi, móc ra hai ngàn đồng, không mua rượu, cũng chẳng thuốc như nhiều người lao động khác, “nhất y nhất quởn”, ông chỉ lấy hai gói bánh cho mấy đứa cháu (mà phải chính tay ông lựa) và một hũ sâm bí đao lạnh ông uống ngay tại chỗ như phần thưởng duy nhất cho mình. Mua xong, với khuôn mặt mãn nguyện, ông cẩn thận vuốt hai gói bánh thẳng thớm, bỏ vào cái túi vải cũ rồi mới chậm rãi đạp xe về. Chiếc xích lô lắc lư di chuyển rồi khuất dần phía cuối hẻm nhỏ nơi có căn nhà nhỏ mà tôi thường tưởng tượng về những ánh mắt trông ngóng, rồi những cái ôm chầm thương mến cùng niềm vui mừng của mấy đứa cháu trông quà.
p6
Hồi sinh viên, có lần nhóm chúng tôi lang thang ở Quận 5 làm đề tài nghiên cứu khoa học, bắt chuyện với các chú các bác đạp xích lô chúng tôi mới thấm thía được cuộc sống của những người lao động nghèo. Dù mỗi người mỗi cảnh đời khác nhau nhưng ai nấy đều chung một cảnh: khổ. Lang bạt từ những vùng quê nghèo xa xôi của miền Tây lên phố, kiếm sống bằng đôi chân lam lũ, hàng chục năm gắn bó với cái “nghiệp” lang thang cả ngày khắp phố, chở người này, đưa người nọ đến những cái đích khác nhau của cuộc đời rồi lúc đêm xuống họ lại lấy phố làm nhà, bóng tối làm màn. Nhiều bác, đêm đêm trọ lại dưới những mái hiên khi kiếm không ra tiền, không muốn về khu nhà trọ rách nát thấy vợ con hằn học, khổ sở….Vậy mà sao, khi kể những chuyện đó họ vẫn vô tư, vui vẻ, coi như không. Đã quen với cái khổ, cái nghèo hay vì dù có lên phố họ vẫn là những người nhà quê thật thà chân chất, vẫn giữ được cho riêng mình cái hồn quê ngay giữa phố?
Cuối cùng chuyện gì đến cũng đến, sau nhiều biện pháp chế tài gay gắt tầm 2007-2008, Nhà nước ban hành nghị quyết cấm toàn bộ xích lô, xe ba gác (chúng được gọi là xe thô sơ hết niên hạn sử dụng) trên tất cả các tuyến đường. Nhiều năm trôi qua, cuộc sống thay da đổi thịt, công nghệ lên ngôi, không biết còn ai nhớ đến những chiếc xích lô lang thang trên phố hay tất cả cũng đã lặng lẽ rơi thỏm vào quá vãng như hình ảnh ông Đồ già giờ chỉ còn trong văn chương của một thời nay chỉ còn vang bóng?
p5
Nhưng nói đi thì phải nói lại, người ta cũng đang tạo lại một mảnh đất sống khác cho xích lô đấy thôi. Xích lô du lịch. Lâu lâu tôi vẫn bắt gặp các đoàn xích lô chở khách Tây đi dạo ở các quận trung tâm. Nếu người Thái có chiếc tuk- tuk thì Việt Nam có xích lô. Những chiếc xích lô được tân trang láng coóng, các bác tài chỉn chu trong những bộ đồng phục của nghiệp đoàn này, công ty nọ. Miệng liếng thoắng tiếng tây tiếng tàu hướng dẫn cho những du khách tóc vàng mắt xanh biết về nước Việt Nam, người Việt Nam. Người đạp xích lô dường thấy nhẹ nhõm hơn, trong phố phường tất bật. Xu hướng sống xanh cũng đang dần len lỏi vào lối sống của người thành phố. Biết đâu sau này người SG lại thích tìm về cảm giác yên bình bằng một phương tiện không khói, không tiếng ồn, lại thân thiện với môi trường ngay trên chính đất nước mình thì sao? Biết đâu đấy?
p4
Nhưng nếu điều đó chẳng xảy ra, sẽ có nhiều thế hệ mai sau không còn biết đến cảm giác thảnh thơi trên đường đời đang “chen lấn vô cùng”, không còn nữa cái lãng mạn hơi ngông của một người nghệ sĩ: “Xích lô, thôi cho tôi xuống đây, phố đông người quá, lối kia chật quá khiến con tim hao gầy”. Và cũng khó mà tìm lại cái cảm giác khác của một cái Tết hơn 20 năm trước, một sáng đầu năm cả Sài Gòn thảnh thơi và tâm hồn một đứa trẻ thơ đã từng thoáng đãng đến vô cùng…trên một chiếc xích lô.

Bài viết: Ngọc Vân Nguyễn| Tham gia cuộc thi viết Nam Kỳ Lục Tỉnh Lạc Xoong

Hình ảnh: Một số ảnh tư liệu cũ mình lấy trên mạng, mấy ảnh cuối mình chụp khi làm phỏng vấn các bác các chú xích lô ở quận 5 hồi 2007.

Bà con cùng tham gia cuộc thi viết Nam Kỳ Lục Tỉnh Lạc Xoong cùng Sài Gòn Chợ Lạc Xoong tại đây nhé!

Chợ Lạc Xoong
Logo