[Kỷ vật Sài Gòn] – Cuốn từ điển của Ba

Út oiiii!

Ba về rồiiiii…

Tiếng mấy bà chị réo rắt ngoài cửa lớp. Năm ấy tôi học lớp 1 trường Kim Đồng (trước 75 là trường Hiếu Thiện, cạnh nhà thờ Xóm Thuốc). Hôm ấy, ba tôi về bất ngờ không ai hay biết.

Nó bất ngờ cũng như ngày 30/4/1975 – “Mời anh Hướng lên phường nói chuyện chút. “Vậy mà ba tôi bị bắt đi cải tạo 7 năm, chưa kịp từ biệt vợ con và mang theo thứ gì, ngoài bộ quần áo trên người.

Tôi chưa biết khuôn mặt ba vì tôi vừa chào đời thì ba đã “đi học tập”. Anh Hướng mà các “đồng chí cán bộ“ hay gọi ba, xuất thân là giáo viên trường Chân Phước Liêm (nay là trường trung học Gò Vấp) và trường Vinh Sơn Liêm (nay là trường Nguyễn Trung Trực). Và sau khi tốt nghiệp cao học, làm giáo sư giảng dạy tại đại học sư phạm (ngay góc Hồ con rùa). Rồi biệt phái đi lính, chức vụ đại úy biệt động quân (nghe “bố già“ kể là chưa từng cầm súng giết ai, công việc chính là thông dịch viên cho sĩ quan Mỹ, Hàn)

Ngày ba trở về, trước mắt tôi là người đàn ông nửa quen nửa lạ. Ba ôm tôi vào lòng, tôi mừng, tôi khóc, nhưng tôi mắc cỡ và ù té chạy. Tuổi thơ tôi chỉ biết có mẹ, các anh chị với muôn vàn khó khăn cơ cực bủa vây.

Ba về, bắt đầu cuộc sống mới với hai bàn tay trắng. Lần này, “mấy ảnh” lại mời anh Hướng lên phường – “Nghe nói anh là giáo sư Đại học sư phạm và chuyên Anh ngữ, anh có thể đứng lớp dạy tiếng Anh cho cán bộ phường được không ạ. Ba tôi nhận lời, và từ hôm sau, cuốn từ điển Anh – Việt của Nguyễn Văn Khôn, xuất bản năm 1982 đã có mặt ở nhà tôi. Ba còn mời thêm các bác giáo sư “bạn tù” của ba đến cùng dạy. Tôi nhớ, cứ chiều tối là ba gọi chiếc xích lô chờ bác Oánh, bác Vĩnh đến dạy ở UBND phường 10 Gò Vấp (nghe đâu tiền thuê giáo sư và thuê xích lô, ba tôi tự bỏ ra). Cứ dạy như thế, không quản ngày nắng ngày mưa. Và đêm đêm, ba lại nghiên cứu, soạn giáo án, làm bạn với cuốn từ điển.

Khoảng năm 1984, ba đuọc mời về dạy tại trường Gò Vấp, rồi làm giám thị, kiêm luôn hiệu phó lao động. Được cấp cho khu vườn rau phường 3, Nguyễn Kiệm. Vừa là nơi cải thiện đời sống, vừa là nơi để học sinh đến thực tập trồng rau chăn nuôi.

Nghề giáo lương còm, không đủ nuôi sống vợ con. Ba nghỉ dạy. Cuộc sống ngày càng khó khăn. Các anh chị tôi nộp đơn xin vào xí nghiệp làm công nhân. Tất cả đều bị từ chối vì trong sơ yếu lý lịch ghi là con của đại úy Biệt động quân. ”Mấy ảnh trên phường“ quên mất rằng ba tôi đã từng giúp đỡ và hào phóng như thế nào??? Chị gái buồn, định sẽ làm lại sơ yếu lý lịch, sẽ khai man . Nhưng “bố già“ đã cho một bài học: “không được dối trá, tất cả ở nhà, để ba lo”.

“Rồi, ba tôi quyết định làm kinh doanh. Sẵn có nghề mây tre lá chiếu cói truyền thống của cả cái Xứ Xóm Thuốc ấy, ba tôi kêu gọi tham gia Hợp tác xã. Khoảng năm 1986, Việt Nam kết nghĩa anh em với Liên Xô, và hầu như chỉ xuất khẩu sang Liên Xô, Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungari.Năm ấy, tôi lên cấp 2. Ba đón đầu xu thế trong việc làm ăn lâu dài với Liên Xô, đã quyết định cho tôi theo học khối N. Tôi, dĩ nhiên phải vâng lời, dù những bản nhạc tiếng Anh bất hủ của ABBA, của Carpenter đã quyến rũ tôi . Tôi học cả hai thứ tiếng, và cuốn từ điển của ba khiến tôi mê mẩn. Tôi rất chăm và học giỏi. Thành tích cao nhất là giải nhì thành phố, được vào đội tuyển thi học sinh giỏi toàn quốc. Tôi nhớ mãi, những ngày chuyển ra học với đội tuyển tại trường Nguyễn Du, rồi Sương Nguyệt Ánh Q1. Ba tôi ,đều đặn đón đưa mỗi ngày. Trên chiếc Simson cũ, qua những con đường quen thuộc từ Gò Vấp ra Sài Gòn, và ngược lại. Ba tôi – với mái tóc pha sương, dáng người gầy gò, lưng áo ướt đẫm mồ hôi, đã dìu dắt tôi, đã dạy tôi cùng tất cả con cháu trong nhà biết bao điều tốt đẹp và tử tế.

Ngày tôi mang “vinh quang“ về cho trường với cái giải khuyến khích thôi, nhưng lúc đó cũng oách lắm. Cả trường làm lễ vinh danh. Vậy mà nghiệt ngã thay, thầy giáo chủ nhiệm – giáo viên ngoại ngữ, người đã cử tôi đi thi học sinh giỏi, ông từ chối không cho tôi được kết nạp đoàn, vì tôi là con của lính nguỵ . Tôi buồn, khóc, hoang mang. Tôi kể ba má nghe, ba khẽ nói “con không cần tham gia đoàn, hay đi theo đường lối nào hết, hãy đi theo ba.”

Năm 1991, Liên Xô sụp đổ, việc làm ăn gặp khó khăn. Xuất khẩu hàng đi chỉ đổi lại vải vóc, nhu yếu phẩm. Tiển về chậm, có khi không nhận được đồng bạc nào. Làm ăn ngày càng khó hơn, phải vay mượn nhiều nơi. Công nhân đến tận nhà khóc lóc vì Tết đến nơi lấy gì mà ăn. Ba tôi bàn với má quyết định bán nhà, lấy tiền trả hết. Lúc này gia đình tôi phải rời xa ngôi nhà thân yêu ở Xóm Thuốc.

Vào năm 1994, Mỹ bỏ cấm vận. Ba tôi bỏ xí nghiệp nhà nước, về nhà mở công ty tư nhân. Ba lại mời các “bạn tù” ngày xưa về sát cánh. Ba làm giám đốc, bác Oánh làm phó, chú Lâm làm kế toán. Ông không bao giờ bỏ rơi bạn bè. Ba trực tiếp đàm phán với đối tác người Mỹ, người Pháp mà không cần thông dịch viên. Lúc này , mới thấy việc giỏi ngoại ngữ là điều vô cùng cần thiết và hữu ích. Công việc phát triển thuận lợi, Ba nhận ra rằng, chỉ từ nguồn nguyên liệu sẵn có như cói đay dừa hay lục bình trôi sông, hay vỏ bắp với giá rất rẻ, được chế tác thành những sản phẩm thủ công tinh xảo. Khi xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế cao. Công ty nhà tôi hợp tác với các nước tư bản khác như Pháp, Đức, Ý.. Gia đình bắt đầu dư dả, mua thêm đất đai nhà cửa .. Có những chuyến du lịch xa nhà, trong hành lý của ba, luôn có cuốn từ điển mang theo. Ba không nghỉ ngơi, khi mọi người vui chơi, hưởng thụ thì “bố già“ lang thang, cặm cụi, ngụp lặn từng ngõ ngách của vùng miền ấy, tìm ra những nguyên liệu mới, để cải tiến mẫu mã, đêm về khách sạn lại tra từ điển để tìm hiểu từng nhóm nguyên liệu vừa được tìm ra, rồi lên kế hoạch, chuẩn bị cho cuộc đàm phán sắp tới.

Công ty phát triển và mở rộng đến tất cả các tỉnh miền Tây. Cả đại gia đình tôi ngày đó đồng lòng bên nhau, theo chân Ba, đi khắp mọi miền. Mở xưởng sản xuất và huấn luyện hàng ngàn công nhân, tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người. Cũng từ nơi này, các chị gái của tôi được se duyên với mấy anh rể miền tây hiền lành chịu thương chịu khó .Hết thảy được ba tôi mua đất xây nhà, tạo dựng gia đình êm ấm, luôn yêu thương nhau, khiến người khác nhìn vào mà ngưỡng mộ.

Năm 1996, phía bên Mỹ gửi hồ sơ mời ba tôi sang Mỹ định cư theo diện HO. Ba suy nghĩ mấy ngày rồi quyết định “say No” , huỷ thư mời, Ở lại Việt Nam. Nơi có tất cả người thân vợ con cháu chắt, họ hàng, láng giềng, nơi gắn bó yêu thương, nơi trái tim ông thuộc về. Nhiều người cho rằng Ba tôi gàn, vì lúc đó rất rất nhiều người khát khao được đi Mỹ. Ba tôi khác, ông không bao giở ngồi yên, xoè tay nhận tiền cứu trợ. Mọi thứ ông có được đều từ bàn tay và khối óc làm nên.

Những ngày cuối đời, Ba tôi bắt đầu có thú vui nho nhã, đó là trồng cây, nuôi thú cảnh. Tôi nhớ là ba tôi nuôi nhiều đến mức nhà tôi biến thành cái sở thú mini. Có một điều rất dễ thương, đó là Ba viết tên từng loài bằng Tiếng Anh, rồi dạy cho các cháu đọc tên của từng con vật. Ba quý nhất là con vẹt biết nói. Mỗi lần tôi đi học về là nó gọi: út Hoài, út Hoài ơiiiiii. Ba tôi cũng dạy cho các cháu biết yêu thương loài vật, dạy chúng biết yêu thiên nhiên, yêu mọi người xung quanh. Ông cụ luôn khuyến khích con cháu chăm đọc sách, miệt mài lao động, biết sáng tạo đổi mới.

Năm 2000, tôi lấy chồng. Một buổi chiều, tôi trở về nhà xưa thăm ba má, thấy ba gục ngã ngoài lan can, tay ba đấm vào ngực liên hồi . Cơn đau vì ung thư phổi bắt đầu hành hạ ba, vậy mà mỗi khi cơn đau vừa lắng xuống, ba lại mày mò thiết kế mẫu mã mới, dự là sẽ dành hợp đồng này cho tôi – đứa con gái út vừa lấy chồng. Và vào đêm trăng rằm tháng giêng 2001, đứa cháu chạy đến đập cửa, báo tin: cô út ơi, ông nội mất rồi.

Tôi gục ngã, khóc nghẹn không thành tiếng. Tôi đã mất đi điều thiêng liêng quý giá nhất trong cuộc đời. Người Cha mà tôi vô cùng yêu quý đã vĩnh viễn rời xa. Khép lại một cuộc đời, một phận người đắng cay, vinh nhục, vất vả, long đong.

Ngày tiễn ba đi, tôi tìm về căn phòng cũ. Ai cũng muốn lấy món gì đó làm kỷ niệm. Cả cái sở thú mini, như gợi nhớ bóng dáng ba tôi vẫn đứng đó cho cho chim ăn, đang chơi với con vẹt. Thương tiếc ông, con nào cũng được đeo tang trắng. Những ngày sau đó, chúng được ông anh rể mang về quê, tiếp tục chăm sóc .. …

Nơi đầu giường ba hay nằm, chỉ còn cuốn từ điền này. Tôi nâng niu mang về, và để trên cùng của kệ sách. Mỗi ngày tôi đi ngang qua, như thấy ba luôn hiện diện đâu đó, như ánh mắt ba luôn dõi theo từng bước tôi đi ..“

Những nguòi mà khi mất đi, hình ảnh và cách sống của họ vẫn còn ảnh hưởng đến người khác, nghĩa là họ vẫn sống mãi…..

– Khổng Thanh Hoài –

Chợ Lạc Xoong
Logo