[Kỷ vật Sài Gòn] – Cái nồi Gò

Bà xã đại nhân,

Ngày hôm qua là lần đầu tiên cãi nhau em dùng những từ ngữ đi vào lòng người với anh. Trước giờ anh chưa bao giờ dám làm phật ý em điều gì. Bạn bè hàng xóm hay gọi đùa anh là bang chủ Kính Thê Bang, anh cũng chưa hề có ý kiến. Nhưng hôm nay, một lần nữa anh nói với em là anh sẽ không bán ve chai cái nồi cũ mình vẫn dùng đâu em à, mặc dù anh cũng đồng ý rằng sự có mặt của nó thật lạc lõng với gian bếp sáng bóng nhà mình.

Em biết không? sự tồn tại của cái nồi đó như một câu chuyện thần kì bước ra từ thế giới cổ tích. Anh thực sự không biết nó có từ khi nào, chỉ biết là từ lúc má còn nhỏ đã có. Hồi nhỏ anh có hỏi má cái nồi này gò từ cái gì mà dày cui, bền dữ thần dzậy má. Má anh nâng ngực hít 1 hơi sâu khí tụ đan điền rồi từ từ buông 1 câu trả lời trớt quớt “má cũng hổng biết nữa”. Cho đến giờ, dù đầu đã hai thứ tóc, nhưng do học dốt cốt hèn nên anh vẫn chưa có câu trả lời cho câu hỏi cái nồi này gò này làm từ gì nữa.

Cái nồi này trước khi đến tay vợ chồng mình thì đã trải qua hầu hết nững biến cố lớn nhỏ xảy ra trong gia đình anh. Từ lúc anh còn sống với má ở cái chung cư cũ chật hẹp nằm tuốt trong con hẻm sâu khu chợ Vườn Chuối, phải nấu bếp củi mồi bằng gỗ thông, cho đến cuối những năm 80 nhà mình bắt đầu chuyển qua xài bếp dầu. Anh không thể nào quên được ngày đầu tiên đi học về anh thấy cái nồi gò nằm chễm chệ trên cái bêp điện dây măng so của Liên xô đầy ảo diệu mà chị Tiên đi Liên Xô đầu những năm 90 về cho. Và giờ cũng là cái nồi đó trên bếp gas anh nấu cơm cho nhà mình ăn mỗi ngày.

Có thể anh chưa nói với em, nhưng anh tự hào vỗ ngực tuyên bố là ở cái đất Sài gòn này không ai từng ở nhiều nhà hơn anh. Cái nồi gò này đã chứng kiến không biết bao lần má dẫn anh di chuyển chỗ ở ngang dọc khắp cái đất Sài gòn này theo cuộc sống mưu sinh của má để nuôi anh khôn lớn. Đó là lý do anh không học trường nào quá được hai năm và không hề có người bạn nối khố nào mặc dù là dân Sài gòn chánh gốc.

Cái nồi gò này cũng là nhân chứng của bữa cơm cuối cùng có đầy đủ thành viên của gia đình anh, trước khi ba ra đi bỏ lại má và anh. Hồi nhỏ vì không có tiền mua sữa, má hay dùng nó nấu những chén nước cơm thơm lừng, đặc sệt “tẩm bổ” anh trong những tháng năm tuổi thơ nghèo khổ sau khi ba đi. Nó cũng không biết bao lần chứng kiến má cứ nói má no rồi, và đưa đẩy nhường hết nhúm đồ ăn tí tẹo cho anh, còn má chỉ ăn cơm và rau. Rồi những lúc anh bệnh, má tất tả hái các loại lá hằm bà lằng bỏ vào nồi nước xông cho anh mau khỏi. Giờ lớn rồi, mấy lần bệnh sốt liên miên, anh vẫn lơ mơ thấy mình đang nằm đắp chăn run người, nhìn ra ngọn lửa liếm quanh cái nồi nước xông má nấu, chập chờn gợi thức, nâng niu những tình cảm ấp nồng của má.

Anh biết em xuất thân khuê các, nhỏ lớn chưa từng phải động tay vào việc gì, nên những gì anh kể chưa chắc em đã cảm. Anh cũng không phải người thích làm dễ làm khó, làm cho em nhăn nhó. Em cứ bỏ hết những thứ mà em không thích trong nhà mình. Chỉ xin em giữ lại cái nồi cũ này, giữ lại thế giới tuổi thơ của anh giấu kín trong từng vết trầy, vệt lõm của nó.

Hồi nhỏ anh nhớ có ông nhạc sĩ nào đó sáng tác bài hát có cái câu rất hay “hạnh phúc quá đơn sơ, đời tui đâu có ngờ, từng đêm cậu bé chờ, như chờ từng giấc mơ”. Niềm hạnh phúc đơn sơ của anh ngày xưa là được ngồi chờ đợi bên nồi khoai luộc bằng cái cái nồi gò với má, và giờ, là ngồi bên mâm cơm ấm cúng cũng nấu bằng cái nồi gò đó cùng với người anh yêu nhất.

Người đó là em.

– Vin Nguyen –

Chợ Lạc Xoong
Logo