Tôi sinh ra ở Sài Gòn, đến năm 15 tuổi thì tôi về quê hương ở Long An sinh sống cho đến bây giờ nên tôi mang đậm phong cách của người miền Tây Nam Bộ. Tôi mồ côi mẹ từ năm 17 tuổi. Những kỷ niệm trong tháng ngày mẹ còn sống lo cho các con không bao giờ phai mờ trong tâm trí tôi. Vào những năm tôi còn học cấp 2, nhà tôi nghèo lắm. Vì gia đình tôi có đến 7 anh chị em còn trong tuổi ăn học nên cha mẹ tôi phải làm việc vất vã mới có thể lo cho chúng tôi ăn học. Những bữa cơm đạm bạc trở thành bạn đồng hành của gia đình tôi hàng ngày. Đó là những món ăn mà ở nhà tự có nhờ những con cá con cua bắt được hay những loại rau mọc trong vườn nhà. Mẹ tôi có tài nấu ăn rất ngon. Nhiều món ăn mẹ nấu cho tôi ăn mà cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như canh rau tập tàng, mắm kho hay cháo cóc … là những món ăn dân dã đậm chất của người miền Tây Nam bộ. Tôi xin kể lại kỷ niệm về các món ăn này
Nhớ món canh rau tập tàng của mẹ
Để có được nồi canh rau tập tàng ngon, mẹ tôi hái nhiều loại rau mọc tự nhiên hoặc trồng trong vườn như mướp, rau dền, rau bồ ngót, rau mồng tơi, dưa leo, đậu bắp, thậm chí nếu có đọt nhãn lồng nấu chung lại càng ngon. Mẹ đâm cua đồng vắt ra lấy nước ngọt nấu canh, nhờ vậy mà canh rau ngon một cách tự nhiên. Mẹ chỉ cần nêm vào nồi canh chút ít gia vị là sẽ có một nồi canh rau hấp dẫn. Sở dĩ gọi là canh tập tàng vì là canh thập cẩm nấu với nhiều thứ rau hợp lại. Nếu nấu thêm nấm rơm thì càng ngon. Nấu canh mà chỉ có 1 hay 2 loại rau thì kém ngon. Hôm nào mà có canh rau tập tàng là nhà tôi ăn cơm hết nồi, đặc biệt nếu hôm nào cha tôi cắm câu có cá, ăn cơm canh rau với cá rô kho thì tuyệt ngon. Đã nhiều lần tôi bị bệnh, thấy tôi ăn cơm không nổi, mẹ đã nấu canh rau cho tôi ăn với cơm và nhờ những bát cơm có canh rau tập tàng nóng nghi ngút khói của mẹ nấu mà tôi dần khỏi bệnh. Có một kỷ niệm khó quên với món canh tập tàng dành cho tôi. Khi tôi 5 tuổi có một lần tôi bị mẹ đánh đòn vì không chịu ăn canh rau tập tàng. Mẹ ghét nhất là con cái kén ăn. Mẹ muốn món ăn nào con cũng phải tập ăn cho biết. Sở dĩ tôi không chịu ăn canh rau tập tàng vì nồi canh có màu đỏ của rau dền nên tôi sợ. Nhờ mẹ ép buộc mà tôi biết ăn món canh này và càng ngày càng thấy ghiền ăn món ăn bình dị mà hấp dẫn này.
Nhớ món bông súng mắm kho của mẹ
Quê tôi cứ vào mùa mưa, khi cái ao cạnh nhà ngập đầy nước thì cũng là lúc những bụi bông súng phát triển tốt. Mặt ao bao phủ bởi những bông súng màu tím, màu trắng đua nhau nở rất đẹp. Bông súng dù là loại cây mọc tự nhiên nhưng luôn xanh tốt. Bông súng có thể chế biến nhiều món ăn ngon. Cọng bông súng có hương vị mát lạnh và ăn rất giòn tạo cho người ăn một cảm giác rất dễ chịu. Cứ mỗi lần thèm ăn bông súng là tôi sắn quần lội xuống ao nhổ bông súng và yêu cầu mẹ nấu mắm kho. Món mắm kho của mẹ nấu chủ yếu cũng nhờ nguồn thực phẩm cây nhà lá vườn như cà tím trồng trong vườn cùng với cá lóc, cá rô, cá tra hay tép mà cha tôi bắt được. Trong lúc mẹ nấu mắm kho thì tôi lột vỏ cọng bông súng, rửa sạch và chị tôi chẻ nhỏ những cọng bông súng này. Khi bữa cơm dọn ra nhìn thấy dĩa bông súng trộn lá quế cùng mùi thơm bát ngát của tộ mắm kho làm cho cả nhà tôi ăn ngon miệng. Hôm nào có món ăn này là phải nấu cơm nhiều hơn thường ngày vì mẹ biết ai cũng ăn no bụng mới thôi.
Nhớ bát cháo cóc của mẹ
Ở quê tôi cứ vào mùa mưa thì những lúc đêm đến, những con cóc nhảy tứ tung quanh vườn. Bắt cóc đem về nấu cháo đã trở thành thú vui thuở ấu thơ của tôi và các đứa em. Thuở nhỏ tôi gầy yếu, xanh xao. Dù mẹ cho tôi ăn những thức ăn bổ dưỡng nhưng tôi vẫn cứ gầy còm. Mẹ nghe người ta nói nếu cho tôi ăn cháo cóc thường xuyên thì hy vọng tôi sẽ không còn bị còi xương nữa. Thế là đêm đêm mẹ cùng các con bắt cóc quanh nhà đem về nấu cháo cho tôi ăn. Món ăn cháo cóc trở thành ký ức đẹp của tuổi thơ tôi mà suốt cuộc đời này sẽ không quên.
Để có được một nồi cháo cóc ngon, mẹ cắt bỏ đầu cóc, lột da bỏ hết bộ lòng ruột vì sợ có trứng cóc ăn sẽ bị ngộ độc, còn thịt thì làm sạch, chặt bỏ những cái móng chân. Sau đó mẹ bắc nồi cháo lên bếp, lúc đầu chụm lửa cho sôi, sau đó chụm lửa riu riu cho cháo nhừ. Tiếp theo mẹ bắc chảo lên bếp rồi để thịt cóc vào xào. Khi thịt cóc chín, mẹ trút thịt vào nồi cháo và nêm thêm bột ngọt, nước mắm cho vừa ăn, bỏ hành vào cho thơm và đặc biệt ăn cháo có nhiều tiêu mới ngon. Sau đó, mẹ dọn cháo cho cả nhà ăn và dĩ nhiên tôi ưu tiên được ăn nhiều nhất.Cháo cóc có tác dụng trị bệnh còi xương, chậm lớn vì vậy nhờ những ngày ăn cháo cóc của do mẹ nấu, tôi càng khỏe mạnh, không còn gầy còm nữa. Cháo cóc tuy là món ăn đơn sơ, mộc mạc nhưng rất giàu dinh dưỡng và cũng xuất phát từ tình thương con vô bờ bến mà ngày ngày mẹ tôi bỏ công nấu cho tôi những bát cháo thơm ngon. Có một kỷ niệm mà suốt đời tôi không quên. Một đêm mưa dù bị bệnh cảm nhưng mẹ tôi vẫn đi bắt cóc. Sau đêm đó, mẹ bệnh sốt rất nặng. Sáng hôm ấy nhìn giỏ cóc nặng trĩu mà tôi đã khóc vì thương mẹ. Chính tình mẫu tử đã giúp mẹ vượt qua tất cả để mang đến niềm vui, niềm hạnh phúc cho con. Tôi đã lặn lội con đường quê ngót hơn 3 cây số để mua thuốc cho mẹ. Tôi còn hái lá sả nấu xông cho mẹ, nhờ vậy mà mẹ hết bệnh.
Mẹ tôi mất đã lâu nhưng đến bây giờ tôi vẫn không quên được những món ăn dân dã đậm đà hương vị quê hương miền Tây Nam Bộ. Đó là những món ăn của người nghèo có cuộc sống còn thiếu trước, hụt sau. Bây giờ cuộc sống tôi khấm khá và tôi được ăn nhiều món ăn ngon nhưng tôi không bao giờ quên những món ăn đạm bạc từ thuở hàn vi. Chính những món ăn từ thuở cơ hàn đó đã là nguồn động lực giúp tôi vươn xa trong cuộc sống vì từng bước tôi đi trên đường đời luôn có bóng hình của mẹ. Nhà tôi có vườn rau và tôi hay nấu lại các món ăn của mẹ từng nấu trước đây. Sau ngày mồ côi mẹ, cứ mỗi lần ăn lại các món ăn trên là tôi nhớ đến mẹ. Nếu như món ăn ngày xưa do mẹ nấu cho các con vừa ngon ngọt vừa thấm đượm tình mẫu tử thì món ăn ngày nay luôn có hương vị mặn đắng vì nó đã hòa lẫn vào những giọt nước mắt của tôi tuôn rơi. Tôi nhớ lại dù bị bệnh tim, sức khỏe rất yếu vậy mà mẹ vẫn cố gắng nấu những món ăn ngon cho các con ăn. Nhờ những bát cháo cóc, bát canh rau, tô mắm kho của mẹ mà các con mới có sức khỏe để học tập làm việc. Tôi đã thành nhà giáo và nhà văn, hai nghề nghiệp mà mẹ từng hoài vọng dành cho tôi vì mẹ thấy tôi ốm yếu, thích hợp với nghề lao động trí óc. Ở nghề dạy học thì tôi được học sinh kính trọng vì hay quan tâm dành tình thương cho các em, ở nghề viết văn, tôi thành công khi phát hành sách và viết được nhiều thể loại văn học cũng như đạt nhiều giải thưởng. Rất tiếc, khi tôi thành đạt thì mẹ đã không còn nữa. Nhiều người nói con trai là nhờ đức mẹ. Mẹ tôi sống nhân ái và được nhiều người quí mến. Tôi nghĩ chính đạo đức của mẹ chính là ngọn hải đăng đưa con thuyền đời tôi cập vào bến bờ hạnh phúc. Mẹ là hình ảnh đẹp nhất trong suốt cuộc đời tôi vì mẹ sẵn sàng muốn vắt cạn dòng máu trong tim mình để nuôi dưỡng đàn con. Hình ảnh mẹ chịu thương, chịu khó nấu các món ăn cho các con là hình ảnh sẽ không bao giờ phai mờ trong tâm trí tôi từ bây giờ và mãi mãi về sau./.
Bài viết & hình ảnh: NGUYỄN THANH DŨNG| Tham gia cuộc thi viết Nam Kỳ Lục Tỉnh Lạc Xoong
Bà con cùng tham gia cuộc thi viết Nam Kỳ Lục Tỉnh Lạc Xoong cùng Sài Gòn Chợ Lạc Xoong tại đây nhé!