Sở thú có nón lông gà
Có sư tử đá, có “nhà King kong”
Tôi hay lẩm bẩm như thế mỗi khi nghe ai đó nhắc tới Sở thú. Thuở ban đầu, nơi này có tên là Vườn bách thảo, trải qua hơn trăm năm tồn tại, bây giờ nó là Thảo cầm viên Sài gòn nhưng tôi chỉ quen gọi nơi đó bằng cái tên vắn tắt hệt như cách ông bà cha mẹ mình vẫn gọi, Sở thú.
Con nít thế hệ 8X trở về trước ở Sài gòn như tôi hầu như đứa nào cũng ít nhất một lần được đi chơi Sở thú. Coi cọp, coi voi, coi khỉ đã đời thì kiểu gì lúc về cũng ráng đòi mua cái nón lông gà để đội lấy le với tụi bạn. Nón này làm bằng giấy cắt ra từ bao thuốc lá Jet hoặc Hero, bề bản quấn quanh đầu cỡ hai phân, phía sau cài chỗ nối bằng cái kẹp giấy dùng kẹp hồ sơ, có thể nới ra hoặc siết vào nên đầu to hay nhỏ gì cũng đội được tuốt. Nón mắc tiền thì được làm cầu kì hơn, gắn thêm cái bìa được cắt hơi kiểu cọ phía trước trán, phun thêm xíu kim tuyến cho thêm phần lấp lánh. Nón rẻ thì chỉ mỗi dải băng giấy trơn, dù mắc hay rẻ thì nón nào cũng cắm mấy cọng lông gà xanh đỏ như hoàng tử công chúa, cứ vậy là đội lên đầu chạy tung tăng.
Lần đầu tiên đưa mấy chị em tôi đi Sở thú chơi, ba mẹ tôi bấm bụng làm sang nhờ thợ chụp mấy tấm hình làm kỉ niệm. Chưa từng chụp hình nên đâu biết đẹp xấu thế nào, nhỏ em tôi chỉ mê cái nón và đòi mua. Đòi không được, nó mếu máo rồi òa khóc. Chụp hình mà mặt bí xị là không ăn tiền nên ông thợ chụp hình nói hay thôi mua đại một cái re rẻ cho nó cười thì mới ăn ảnh. Có cái nón làm phụ kiện coi cũng ngộ, nó có thì tôi cũng phải có vì hai đứa sinh đôi. Được đúng ý, nó chỉ luôn cái nón xịn. Có nón đẹp nhưng còn chút xíu quạu nên nó ra vẻ miễn cưỡng. Ba tôi bày cho chị Hai đứng sau lưng ông thợ để ghẹo cho nó cười. Không hiểu lúc đó chị Hai làm trò khỉ gì mà khi rửa hình ra thì con em cười tít mắt, con chị thì mặt mũi cứ bơ bơ. Cái nón lông gà này gần như là dấu hiệu bảo chứng của Sở thú nên đứa nào cũng muốn đội đến khi về tới nhà mới thôi. Ngồi xe đạp nắng nôi cũng kệ, ngồi xe ca khi đi với trường thì giành chỗ sát cửa sổ để khoe ta đây “mới đi Sở thú về đó nghen”.
Chụp hình con nít thì ông thợ nào thời đó cũng có chung kiểu kinh điển là kiểu cưỡi sư tử đá. Đó là con sư tử bằng đá, mặt mũi dữ tợn. Nó vừa tầm trẻ con trèo lên lưng nên đứa thì dựa, đứa sờ nanh, đứa cưỡi, được chà lết năm này qua tháng nọ nên cái tượng láng lẫy. Tôi gọi đó là con sư tử huyền thoại, nhìn dữ chứ không cắn, cưỡi sư tử càng thêm oai. Bạn bè cùng thời 10 đứa thì hết quá nửa từng tạo dáng chỗ này, bây giờ không rõ là còn hay mất. Tết năm 2013 tôi có trở lại Sở thú chơi, tìm tượng sư tử đá và cái nón lông gà một thuở nhưng đâu đâu cũng toàn bán đồ chơi của Tàu là chính. Nhưng, có một kỉ vật của thời vang bóng vẫn còn nguyên chỗ cũ, “nhà King kong”.
“Nhà King kong” là tên tôi đặt cho cái chuồng khỉ to đùng, có lẽ là to nhất Sở thú. Chuồng có mái vòm cao, dáng như chuồng chim, chủ yếu nuôi nhốt mấy con khỉ cỡ bự. Mà cứ con khỉ nào bự thiệt bự là tôi gọi chung là con King kong, như trên phim ảnh. Ba tôi nói khi ba còn nhỏ xíu thì cái chuồng đó đã có rồi nên có lẽ tuổi đời của nó còn lớn hơn ba.
Thời tôi, học trò tiểu học hễ đi tham quan dã ngoại thì chỉ mỗi một nơi, Sở thú. Chỗ chuồng khỉ cũng là vị trí đắc địa để các cô giáo chọn làm mốc hạ bạt, tập trung gom học trò lại cho tiện, dễ quản. Chuồng voi ở quá xa, chuồng cọp và chuồng khỉ khá gần nhau nên cũng dễ kiếm. Các cô hay dặn nếu đứa nào đi lạc thì nhờ người lớn dắt lên phòng bảo vệ phát loa hoặc tới khu vực chuồng khỉ. Mà thiệt, nhờ cái chuồng khỉ là địa điểm chỉ dấu mà tôi thoát trận ăn đòn. Lần đó, tôi và con bạn lén cô giáo đi mua đậu phộng cho khỉ ăn. Mua đậu xong, tôi cố nán lại xem người ta nặn tò he. Tới hồi coi xong quay ra thì con bạn đi mất tiêu, nhìn bốn phương tám hướng chỗ nào cũng lạ hoắc, tôi đâm hoảng, mếu máo. Thấy tôi sắp khóc tới nơi, cô bán trứng cút gần đó hỏi thăm. Tôi nói ở chỗ chuồng khỉ tới đây, cô nghe vậy nên biểu con gái dắt tôi về chuồng khỉ. Chị đó dắt tôi đi qua chừng hai cái cua quẹo thì tôi thấy cái chuồng khỉ đằng xa, mừng quá, kiểu như “ơn giời, chuồng khỉ đây rồi!”, tôi đâm đầu chạy thiệt lẹ về hướng đó, quên luôn người dẫn đường. Con bạn không méc cô chứ nếu nó méc chắc ăn đòn luôn hai đứa.
Có giai đoạn Sở thú xuống cấp trầm trọng, thú nuôi già nua, cơ sở vật chất hư hỏng, khách đến tham quan thưa thớt, nhiều thứ bị phá bỏ và xây mới. Cái chuồng khỉ là ngoại lệ, nó xưa, nó cũ nhưng nó vẫn ở nguyên đó, thách thức thời gian chứng kiến bao đổi thay của một Sở thú đong đầy kỉ niệm.
Được khoác lên màu áo mới, cái chuồng khỉ của Thảo cầm viên Sài gòn giờ đây còn là nơi check in của nhiều bạn trẻ. Cổ xưa vậy chứ lên hình cũng lung linh ảo diệu lắm.
Sắp tới đợt nghỉ lễ, mấy đứa cháu đòi đi chơi, có lẽ tôi sẽ đưa chúng đi Sở thú coi cọp, coi voi. Không có nón lông gà để mua, không còn sư tử đá để cưỡi nhưng nhất định phải làm vài pô ảnh bên cái chuồng khỉ huyền thoại.
– Dam Thuan –