[NAM KỲ LỤC TỈNH LẠC XOONG] ĐỜN CA TÀI TỬ NAM BỘ: NGHỀ CHƠI CŨNG LẮM CÔNG PHU

Hồi nhỏ, mỗi lần thấy tôi lơ là chuyện học, mẹ tôi lại la “học hành tài tử vầy rồi sao đi thi”. Vậy là chữ “tài tử” trong ấn tượng của tôi là không nghiêm túc, lơ tơ mơ và tôi có phần “dị ứng” với nó. Mãi tới sau này, khi nhà tôi chuyển vô Nam và bản thân tôi có duyên “lăn lộn” với các dự án giới thiệu văn hóa Nam Bộ cho khán giả trẻ, tôi mới biết chữ “tài tử” hay thiệt là hay, còn “đờn ca tài tử” không phải là “món ăn chơi” của mấy tay nghiệp dư.

289829806 5127718347282581 873796159151878979 n

Từ “người tài hoa”…

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc An viết trong cuốn “Đờn ca tài tử: Khảo và luận” thì chữ “tài tử” đã xuất hiện từ thời Chiến Quốc, không chỉ nói về người tài hoa mà còn chỉ cho tác phẩm văn chương; chữ “tài tử” tùy theo thời đại, địa điểm mà ý nghĩa có thể thay đổi nhưng “vẫn xoay quanh vấn đề tư tưởng Nho giáo và chủ đề cái đẹp, nghệ thuật”. Những “tài tử” (người tài hoa) sống đời phong lưu với nhiều thú vui, hướng đến thẩm mỹ và không màng danh lợi. Đờn ca tài tử Nam Bộ thực ra chịu ảnh hưởng của lỗi suy nghĩ này, thể hiện qua quá trình khổ luyện, lối “chơi tài tử’ không đặt nặng vấn đề hoa lợi, qua lời ca tải theo biết bao nhiêu đạo lý về nhân, trí, tín, lễ, nghĩa.

…đến di sản văn hóa thế giới

Thế kỷ XVII, lưu dân của vùng Ngũ Quảng từ từ Nam tiến, mang theo văn hóa phong tục của mình đến vùng đất mới: tín ngưỡng, âm nhạc, kinh nghiệm nông nghiệp, vv. Đến năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh chúa Nguyễn xác lập cơ quan hành chính ở Trấn Biên các thiết chế xã hội theo lề lối cung đình được xác lập mà biểu hiện là ngôi đình, việc thờ tự, cúng tế, hành pháp, thuế má. Đình làng, hay đúng hơn là nhạc lễ trong cung đình chính là một trong những yếu tố hình thành đờn ca tài tử, bên cạnh đó là sự kết hợp với các loại hình văn nghệ dân gian như dân ca, hò, lý mà lưu dân Ngũ – Quảng đã mang theo trên đường Nam tiến.

289997681 5127718360615913 2244963764799689967 n

Cuối thế kỷ XIX – trước 1885, âm nhạc tài tử (chưa có phần ca) lúc nãy hãy còn sơ khai, đã ngầm tồn tại trong các ban nhạc Lễ, ban nhạc của các gánh hát bội. Năm 1885, Pháp chiếm nước ta, nhiều sĩ phu và nhạc công từ miền Trung vào lánh ở miền Nam, trong đó có ông Nguyễn Ba Đại (Ba Đợi), sau này được tôn xưng là Hậu tổ của Đờn ca tài tử. Ông Ba Đợi có công đem ngón đờn, nghề đờn của vùng Kinh kỳ vào miền Nam, làm phong trào âm nhạc đờn ca tài tử trở nên sôi nổi và hoàn thiện nó. Từ cuối thế kỷ XIX đến thế kỷ XX, đờn ca tài tử chiếm ưu thế (nói theo ngôn ngữ ngày nay là “làm mưa làm gió”), có thể xem như là biểu trưng cho văn hóa miền Nam không chỉ về âm nhạc, văn chương (trong ca từ) mà còn về lối sinh hoạt vô vị lợi, phong lưu và rất mực tài hoa. Các nhạc công miền Nam không ngừng cải tiến, sáng tạo và tổng hòa những dòng chảy văn hóa Ngũ Quảng, cùng các cộng đồng cộng cư (Hoa, Khmer,…) để mang đến cho đờn ca tài tử dáng hình như ngày nay.

Tháng 12/2013, đờn ca tài tử được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể thế giới.

“Thất thập nhị huyền không” – bảy mươi hai “phép tài tử”

“Thức thời tối thiểu lão thông nhị thập quyền Tổ Bản, Quán thế thậm đa lịch luyện thất thập nhị huyền công” (Tạm dịch: Tối thiểu phải làu thông 20 bản tổ, tối đa rèn luyện được 72 bài tài tử) (Nhạc sư Nhị Tấn)

Câu trên được các tài tử xem là “khuôn vàng thước ngọc” cho việc học tập, trau dồi ngón đờn. Bên cạnh 20 bản tổ là tối thiểu thì còn có 72 bài công phu khác mà một người “vướng” vào tài tử cần phải biết. Dĩ nhiên, con số 72 chỉ là số phiếm chỉ rằng bài bản tài tử rất nhiều mà người học nên cố gắng giao lưu, học hỏi để làm vốn. Người đờn khổ luyện ra sao thì người ca cũng phải làu thông “luật” như vậy, phải ca đúng hơi (bắc, lễ, nam, oán), phải nhả chữ đúng nhịp, phải biết nghe đờn để “vô cho trúng”.

290004588 5127718343949248 2341990458828900456 n

Một “cuộc chơi tài tử” đúng nghĩa thường diễn ra trong không gian yên tĩnh giữa những bạn tri âm có chung “luật chơi” được hiểu là hệ thống bài bản tài tử. Khi nhập cuộc, tài tử đờn và tài tử ca sẽ hòa tấu – hòa ca tại chỗ dựa theo lòng bản (bản nhạc chung); người đờn có thể thêm thắt chữ đờn (“phăng”) để thể hiện tài năng nhưng vẫn phải đúng nhịp; người ca thì nhất định phải ca đúng hơi điệu của bài thể hiện qua cách rung, nhấn, nhá ca từ. Bất kỳ ai nắm được âm luật của đờn ca tài tử đều có thể là “khán giả tài tử”. Có người ví đờn ca tài tử giống “nhạc thính phòng” Tây phương (chamber music), tạm coi là vậy cũng được nhưng chữ “thính phòng” lại không diễn tả được hết cái “tình” của những người đồng điệu đờn – ca với nhau

Tiếng xưa còn một chút này

Ngày nay, theo dòng đời chảy trôi, đờn ca tài tử “thứ thiệt” ngày càng ít gặp mà những thứ na ná đờn ca tài tử thì nhiều. Ta dễ dàng bắt gặp trong các chương trình văn nghệ có liên quan đến miền Nam hình ảnh những “ban đờn ca tài tử” mặc áo bà ba, mang khăn rằn đứng biểu diễn trên sân khấu với dàn âm thanh “khủng” và kiểu gì cũng sẽ ca “vọng cổ”, “tân cổ giao duyên” vốn thuộc về âm nhạc cải lương; ta cũng nhớ đến những tiết mục “miệt vườn” trong các tour du lịch miền Tây cũng được giới thiệu là đờn ca tài tử; lại còn những buổi biểu diễn ngoài trời với số lượng nghệ sĩ áp đảo số bài bản được trình diễn. Tôi không phản đối những cái “na ná” kia, nhưng không khỏi tiếc nuối vì lối “chơi” tài tử chỉn chu, mực thước không được biết đến nhiều hơn. Thời hiện đại, “chạy deadlines” thôi đã hết ngày, nói gì đến chuyện trau chuốt một chữ đờn nhặt khoan, một câu ca tròn vành rõ chữ, một không gian tri âm tri kỷ để thưởng thức những bài bản dài đến …hai mươi phút hơn?

290054113 5127721930615556 8408335816750395793 n

Dẫu vậy thì vẫn có những ngày khi lòng mình nát bươm vì những sự ô trọc trong đời, tôi vẫn thường tìm nghe đờn ca tài tử để vỗ về chính mình. Khi tiếng rao dạo của cây đờn quân tử (đờn kìm) vang lên, khi tiếng tranh, kìm, cò… hòa với nhau một cách nhún nhường, tôi thấy lòng dịu lại một chút. Nhất là những đêm tĩnh lặng hoặc những trưa hè nắng chao nghiêng, nghe “nam xuân”, “nam ai” rất mùi. Xin chia sẻ đến quý độc giả “chốn bình yên” đó của tôi – đờn ca tài tử. Bạn cứ thử bước vào chốn ấy đi, hãy thử nghe đi, biết đâu sẽ thấy khoảng trời này cũng thi vị và trong trẻo lắm.

Bài viết: Lục Phạm Quỳnh Nhi | Tham gia cuộc thi viết Nam Kỳ Lục Tỉnh Lạc Xoong

Hình ảnh: Chương trình giới thiệu đờn ca tài tử đến khán giả trẻ do tác giả cùng các bạn thực hiện vào năm 2019 – một nỗ lực cho thấy đờn ca tài tử có thể “sang” như thế nào.

Bà con cùng tham gia cuộc thi viết Nam Kỳ Lục Tỉnh Lạc Xoong cùng Sài Gòn Chợ Lạc Xoong tại đây nhé!

Chợ Lạc Xoong
Logo